Monday, March 28, 2011

Thỏa thuận hạt nhân Mỹ - Việt

Thỏa thuận hạt nhân Mỹ - Việt

(Bài viết đăng trên VOA, ngày 08/04/2010, nguồn: http://www.voanews.com/policy/editorials/US---Vietnam-Nuclear-Agreement-90308872.html)

Hợp chủng quốc Hoa kỳ và Việt Nam vừa ký một thỏa thuận nhằm mang lại nền tảng cho sự phát triển điện hạt nhân dân sự tại Việt Nam. "Đây là một thời khắc quan trọng trong mối quan hệ song phương của chúng ta", đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, ông Michael Michalak cho biết. "Bản ghi nhớ này là một bước quan trọng trong việc đẩy mạnh mục tiêu không phổ biến vũ khí hạt nhân của chúng tôi, và là một dấu ấn quan trọng trong việc phát triển các chương trình điện hạt nhân dân sự tại Việt Nam".
Được xây dựng dựa trên quá trình hợp tác nhiều năm liên tục, thỏa thuận mới này đặt ra các vấn đề về an toàn hạt nhân, an ninh và không phổ biến vũ khí hạt nhân. Nó đồng thời cũng đặt một mốc nhằm hướng tới sự ràng buộc pháp lý giữa 2 chính phủ: Hiệp định Sử dụng Năng lượng Hạt nhân cho mục đích dân sự, cho phép một sự hợp tác sâu rộng hơn về vấn đề hạt nhân giữa 2 quốc gia và tạo điều kiện cho các công ty của Mỹ tham gia vào lĩnh vực hạt nhân ở Việt Nam. "Việt Nam, có nhiều kế hoạch lớn lao để phát triển điện hạt nhân nhằm thỏa mãn nhu cầu năng lượng đang gia tăng một cách chóng mặt", Đại sứ Michalak cho biết. Và các công ty Hoa Kỳ, ông nói, "có thể cung cấp hầu hết các công nghệ hữu hiệu, hầu hết các thiết bị tiên tiến và hầu hết các dịch vụ kỹ thuật toàn diện nhất hiện có".
Theo các đề án của chính phủ, nhu cầu điện của Việt Nam dự báo tăng mỗi năm 16% cho tới năm 2015. Và nền kinh tế bùng nổ của đất nước đã tạo ra khó khăn cho việc cung cấp theo kịp với nhu cầu. Tháng 11 năm ngoái (11/2009), Quốc hội Việt Nam đã phê duyệt kế hoạch xây dựng 2 nhà máy điện hạt nhân. Chính phủ Mỹ tin rằng Việt Nam đã chứng tỏ cam kết của mình trong việc gia tăng trách nhiệm đối với vấn đề điện hạt nhân bằng cách xây dựng cơ sở hạ tầng cần thiết cho việc triển khai các nhà máy điện hạt nhân trong một vài thập kỷ tới.
Tổng thống Barack Obama cũng đã có động thái với cam kết của ông về vấn đề an ninh hạt nhân bằng cách thông báo về một nỗ lực quốc tế mới nhằm đảm bảo an toàn cho các vật liệu hạt nhân dễ tổn thương trên khắp thế giới trong vòng 4 năm đồng thời triệu tập 1 Hội nghị thượng đỉnh về an ninh hạt nhân vào tháng tư. Theo lời mời của Tổng thống Obama, đại diện của Việt Nam, dẫn đầu là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ tham dự Hội nghị. Trên tinh thần đó, Hoa kỳ hy vọng rằng, "Việt Nam xây dựng dựa trên thành quả đạt được của mình và thực thi tất cả các hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân quốc tế liên quan, để có thể trở thành một mô hình cho các nước đang tìm cách phát triển năng lượng hạt nhât dân sự", Đại sứ Michalak cho biết thêm.

1 comment:

Toan Do said...

Khi ngồi dịch lại những bài này, là tháng 3/2011, Nhà máy điện hạt nhân Fukushima đang phải gồng mình chống lại hậu quả của động đất và sóng thần với nguy cơ phát xạ ra môi trường cao và các hiền nhân nước nhà, theo mình là chỉ ngồi bàn giấy, nghe báo chí dọa mà run, đòi chấm dứt việc xây dựng 2 nhà máy điện hạt nhân.
Cá nhân mình cho rằng:
- Với nhu cầu điện như hiện nay và 10 năm tới, cùng với sự không hiệu quả của Nhiệt điện, thủy điện, sự ép giá nhập khẩu điện của anh láng giềng, trong khi chưa có tiềm năng phát triển mạnh các giải pháp điện khác (gió, mặt trời) thì Nuclear vẫn là 1 giải pháp tối ưu.
- Nếu bảo nuclear nguy hiểm, động đất sóng thần nguy hiểm mà không làm thì hãy nghĩ đến sự nguy hiểm khi rơi máy bay chẳng hạn, có nên cấm sử dụng máy bay như phương tiện vận chuyển không? Một ngày có khoảng vài trăm chuyến bay trên lãnh thổ Việt Nam, nhỡ may nổ hết cả, chết mấy nghìn người thì làm thế nào?
- Sẽ phải nhìn vào Nhật để đảm bảo an toàn cho các nhà máy điện, không phải chỉ vì vấn đề môi trường hay tính mạng con người mà cả là vấn đề tiền bạc nữa. Để hỏng 1 lò phản ứng, là có thể mất hàng chục tỷ USD, có nghĩa là có thể dẫn đến phá sản đấy.
- Mình viết những dòng này sau khi trao đổi với giáo sư người Đức của mình về vụ Nuclear crisis ở Nhật, ông ấy bảo ở Đức hơn 60% điên năng là từ các nhà máy điện hạt nhân ("more than 60%, I mean it could be 70%", he said), "mặc dù rất khó khăn nhưng chúng tao đang tìm giải pháp thay thế, có thể là phong năng". Nếu là Đức, mình cũng sẽ "tìm giải pháp thay thế", nhưng tiếc rằng mình đang làm Việt Nam, với hàng trăm thứ bất cập, trong đó thiếu điện đã phổ biến đến nỗi không ai còn buồn phiền về nó.
Vì thế, mình vẫn cần có Nhà máy điện hạt nhân, tất nhiên với các tiêu chí an toàn phải đặt ở mức độ cao nhất, để không chỉ cung cấp một môi trường đầu tư tốt( Các nhà đầu tư Nhật đã chính thức đưa vấn đề không đảm bảo nguồn điện lên các cơ quan chức năng của Việt Nam) mà biết đâu, còn nhận được nhiều thứ vô hình khác đằng sau nó!